UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lê Trường Lưu; UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Quang Tuấn; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thị Ái Vân chủ trì kỳ họp. Tham dự kỳ họp còn có các vị ĐBQH, HĐND tỉnh; lãnh đạo tỉnh...
Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Trường Lưu phát biểu khai mạc kỳ họp |
Dự kiến thông qua 17 nghị quyết
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Trường Lưu cho biết, từ đầu năm 2024 đến nay, HĐND tỉnh đã đồng hành cùng UBND tỉnh tổ chức 4 kỳ họp chuyên đề, thông qua 67 nghị quyết (NQ) để các cấp chính quyền địa phương triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ phát triển KT-XH, quốc phòng an ninh (QPAN) tại địa phương.
Kỳ họp sẽ xem xét các báo cáo của UBND tỉnh về tình hình phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH), bảo đảm Quốc phòng an ninh (QPAN); kết quả thực hiện dự toán thu, chi ngân sách; kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2024; kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp; nghe thông báo của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) tỉnh về tham gia xây dựng chính quyền và một số báo cáo quan trọng khác.
HĐND tỉnh xem xét, thảo luận các tờ trình của Thường trực HĐND tỉnh, UBND tỉnh, các dự thảo nghị quyết (NQ) kèm theo và các báo cáo thẩm tra của các Ban HĐND tỉnh để thông qua 17 NQ. Ngoài ra, HĐND tỉnh cũng cho ý kiến đối với các báo cáo kết quả hoạt động của HĐND tỉnh, của Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, Cục Thi hành án dân sự tỉnh trong 6 tháng đầu năm 2024; Báo cáo giám sát chuyên đề của HĐND tỉnh về “Tình hình chấp hành pháp luật về phòng chống ma túy trên địa bàn tỉnh từ năm 2021 đến năm 2023”; tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với các thành viên của UBND tỉnh. Đồng thời, sẽ thông qua Chương trình giám sát năm 2025 theo quy định của pháp luật.
Ông Lê Tấn Tới, UVTW Đảng, Ủy viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An Ninh của Quốc hội phát biểu chỉ đạo kỳ họp |
GRDP 6 tháng đầu năm tăng hơn 6%
Tại kỳ họp, trình bày báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ phát triển KT-XH 6 tháng cuối năm 2024, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình cho biết, tổng sản phẩm trên địa bàn - GRDP ước đạt 19.599,3 tỷ đồng, tăng 6,01% so với cùng kỳ; xếp thứ 10/14 các tỉnh/thành Vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung, xếp thứ 36/63 tỉnh/thành cả nước. Quy mô nền kinh tế 37.935,5 tỷ đồng. Trong đó, khu vực dịch vụ tăng trưởng khá với mức tăng 6,95%; khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 5,22%; khu vực nông, lâm, thủy sản tăng trưởng 2,99%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 7,53%…
Tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) trên địa bàn 6 tháng đầu năm ước đạt 6.001,6 tỷ đồng, bằng 50,9% dự toán, bằng 44,1% so với chỉ tiêu phấn đấu và tăng 21,2% so với cùng kỳ. Tổng chi NSNN ước đạt 6.198 tỷ đồng, bằng 39% dự toán, trong đó: Chi đầu tư phát triển ước đạt 2.078 tỷ đồng, bằng 35% dự toán.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình thông tin tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm |
Liên quan đến giải ngân vốn đầu tư công, đến ngày 13/6/2024 là 1.802,203 tỷ đồng/6.257,879 tỷ đồng, đạt 28,8% kế hoạch. Cụ thể: Vốn ngân sách địa phương: giải ngân 1.105,424 tỷ đồng/4.342,226 tỷ đồng, đạt 25,5% kế hoạch; Vốn ngân sách Trung ương trong nước: giải ngân 451,274 tỷ đồng/1.340,653 tỷ đồng, đạt 33,7% kế hoạch; Vốn ngân sách Trung ương nước ngoài (ODA): giải ngân 245,505 tỷ đồng/575 tỷ đồng, đạt 42,7% kế hoạch.
Dù đạt được nhiều kết quả, song ông Bình cũng chỉ rõ nhiều khó khăn, hạn chế cần được khắc phục trong phát triển KT-XH. Đó là mức tăng trưởng vẫn chưa đạt theo kế hoạch; công tác giải phóng mặt bằng vẫn còn nhiều vướng mắc; thị trường bất động sản vẫn còn gặp khó khăn, nhất là về quy định, thủ tục phát triển các dự án (DA) nhà ở xã hội…
“Các nguyên nhân dẫn đến khó khăn đó là, một số quy định, thủ tục hành chính vẫn chậm được sửa đổi, còn phiền hà, gây khó khăn cho doanh nghiệp và người dân; chênh lệch giữa giá bồi thường áp theo khung quy định của nhà nước so với giá đất trên thị trường đã ảnh hưởng đến công tác giải phóng mặt bằng, xảy ra tình trạng thiếu nguồn cung vật liệu xây dựng, nhất là cát xây dựng, đất san lấp; giá cả vật liệu tăng đột biến đã ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện các công trình, DA. Công tác phối hợp giữa các sở, ban, ngành, địa phương có mặt còn hạn chế”, ông Bình nói.
Các đại biểu tham dự kỳ họp |
Thông tin về các nhiệm vụ trọng tâm trong 6 tháng cuối năm, ông Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh, tỉnh sẽ tiếp tục triển khai thực hiện NQ số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị, NQ 83/NQ-CP của Chính phủ. Tập trung triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách phát triển ngành, địa bàn tỉnh. Trong đó, tăng cường xúc tiến, kêu gọi đầu tư các DA sản xuất kinh doanh vào các khu, cụm công nghiệp. Phấn đấu 6 tháng cuối năm thu hút thêm 7 - 10 DA công nghiệp, đầu tư kinh doanh hạ tầng, nông sản và một số DA thứ cấp với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 2.000 - 3.000 tỷ đồng.
Chuẩn bị tốt các điều kiện tổ chức thành công các hoạt động lễ hội trong khuôn khổ Chương trình Festival Huế, trọng tâm là lễ hội “Huế vào thu” và “Mùa đông xứ Huế”. Tổ chức Hội nghị đối thoại, xúc tiến du lịch năm 2024. Tập trung triển khai hiệu quả Chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã; 3 Chương trình mục tiêu Quốc gia,
“Thời gian tới, tỉnh sẽ nỗ lực hỗ trợ, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các DA đầu tư ngoài ngân sách. Tập trung giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo hoàn thành kế hoạch thu NSNN năm 2024. Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số”, ông Bình thông tin.
Ông Lê Tấn Tới, UVTW Đảng, Ủy viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, khẳng định tiềm năng thế mạnh của Thừa Thiên Huế với bề dày văn hoá – lịch sử cùng các di sản được thế giới công nhận; có vị trí chiến lược về QPAN...
Ông Lê Tấn Tới biểu dương, đánh giá cáo những thành tựu về KT-XH của tỉnh trong 6 tháng đầu năm, trong đó có sự đóng góp tích cực của HĐND tỉnh. Đồng thời cho rằng, với những tiềm năng, lợi thế riêng có sẽ tạo ra “chìa khóa” quan trọng, tạo tiền đề để tỉnh bứt phá trong tương lai mà mục tiêu lớn nhất là sớm đưa Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương đến năm 2025; tiếp tục khẳng định sự tin tưởng, kỳ vọng của Bộ Chính trị, của Quốc hội, của Chính phủ đối với tỉnh Thừa Thiên Huế.
Ông Tới đề nghị tỉnh cần tập trung phối hợp với các bộ, ngành sớm hoàn thành thủ tục về Đề án thành lập thành phố trực thuộc Trung ương báo cáo Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp cuối năm 2024. Tăng cường phát huy hiệu quả 3 trung tâm động lực kinh tế của tỉnh, bố trí nguồn lực thực hiện đồng bộ, hiệu quả không gian phát triển; phát triển kinh tế biển, kinh tế du lịch, kinh tế di sản theo hướng xanh, số, tuần hoàn. Tiếp tục đánh giá, nghiên cứu, rà soát việc thực hiện các chủ trương của Trung ương; kịp thời đánh giá việc thực hiện NQ 38/2021/QH15 của Quốc hội. HĐND tỉnh cần nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động thẩm tra; các hoạt động tại kỳ họp...
Tại phiên khai mạc, HĐND tỉnh đã được nghe Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh Nguyễn NamTiến thông báo về tình hình khối đại đoàn kết toàn dân và hoạt động tham gia xây dựng chính quyền của MTTQ 6 tháng đầu năm 2024; kiến nghị của UBMTTQ Việt Nam tỉnh đối với HĐND, UBND tỉnh. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương báo cáo giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri tại kỳ họp lần thứ 7, HĐND tỉnh khóa VIII. Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thị Ái Vân trình bày báo cáo kết quả giám sát tình hình chấp hành pháp luật về phòng chống ma túy trên địa bàn tỉnh từ năm 2021 đến năm 2023 cùng nhiều nội dung quan trọng khác... |