Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Sở, Ban, Ngành
UBND Huyện, Thị xã, Thành phố
Phát triển kinh tế số tại Việt Nam: Kết quả và những vấn đề đặt ra hiện nay
Ngày cập nhật 15/09/2023
Phát triển kinh tế số được xem là biện pháp tối ưu nhằm hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, trở thành một nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích phát triển kinh tế số. Nhờ đó, kinh tế số có những bước phát triển ấn tượng, đưa Việt Nam trở thành nền kinh tế số hàng đầu tại khu vực. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, nhiều vấn đề đang đặt ra trong phát triển kinh tế số ở nước ta hiện nay.
 
1. Quá trình nhận thức về phát triển kinh tế số ở Việt Nam 
 
Thế giới đang bước vào cuộc cách mạng chưa từng có trong lịch sử - cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ kỹ thuật số. Vì thế, kinh tế số đang trở thành đặc trưng và xu hướng phát triển kinh tế, công nghệ quan trọng nhất hiện nay.
 
Theo nhóm tác giả Phan Văn Rân, Ngô Chí Nguyện (2019): “Kinh tế số là nền kinh tế ra đời và phát triển dựa trên việc ứng dụng công nghệ số”1. Tác giả Tô Trung Thành (2021) khẳng định: “Kinh tế số là toàn bộ mạng lưới các hoạt động kinh tế và xã hội được xây dựng, diễn ra dựa trên nền tảng số. Kinh tế số bao gồm tất cả các lĩnh vực kinh tế (công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, sản xuất, phân phối, lưu thông hàng hóa, giao thông vận tải, tài chính - ngân hàng...) mà công nghệ số được áp dụng”2.
 
Các quan niệm trên cho thấy, kinh tế số là nền kinh tế mà các mối quan hệ, các hoạt động kinh tế và tài chính được thực hiện trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông, Internet và công nghệ viễn thông trong hệ thống mạng lưới sản xuất, phân phối, trao đổi và tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ trên thị trường toàn cầu.


Quang cảnh triển lãm tại Diễn đàn kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh 2022 với chủ đề 
“Kinh tế số - động lực tăng trưởng và phát triển Thành phố Hồ Chí Minh trong tương lai”
 
Ở Việt Nam, kinh tế số chỉ phát triển từ cuối thập kỷ 90 của thế kỷ XX, khi Internet bắt đầu có mặt tại Việt Nam và phổ biến vào cuối những năm 2000, khi mật độ sử dụng điện thoại thông minh đạt mức 50%; đồng thời được thúc đẩy mạnh mẽ hơn cùng với sự xuất hiện của CMCN 4.0 vào nửa cuối những năm 2010.
 
Có thể nói, thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số để tạo bứt phá nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế là một trong những quan điểm lớn của Đảng trong chiến lược phát triển đất nước. Nhận thức tầm quan trọng của kinh tế số đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia CMCN 4.0. Nghị quyết đề ra 08 chủ trương, chính sách để chủ động tham gia CMCN 4.0 và đặt ra nhiều mục tiêu cho giai đoạn 2025 - 2045, trong đó có đưa ra mục tiêu cụ thể là đến năm 2025, kinh tế số chiếm khoảng 20% GDP và đến năm 2030, kinh tế số chiếm trên 30% GDP. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (năm 2021) khẳng định: “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, xây dựng và hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển bền vững đất nước; hoàn thiện toàn diện, đồng bộ thể chế phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, chú trọng đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển nền kinh tế số, xã hội số”3
 
Kinh tế số đang được xem là một trong những động lực tăng trưởng quan trọng nhất ở Việt Nam trong những thập niên tới. Thúc đẩy kinh tế số được Chính phủ Việt Nam coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhằm đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và nâng cao chất lượng tăng trưởng, đưa đất nước thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình và hướng tới mục tiêu trở thành nước công nghiệp phát triển vào năm 2045. Cùng với đó, Chính phủ cũng đã chủ động nghiên cứu, xây dựng nhiều chủ trương, chính sách, đặc biệt là đã ban hành kịp thời một loạt các văn bản pháp quy như nghị định, thông tư để tạo dựng hành lang pháp lý, quản lý và điều tiết các mảng khác nhau của nền kinh tế số tại Việt Nam. Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 về xây dựng Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, Chương trình chuyển đổi số quốc gia nhằm thực hiện mục tiêu kép vừa phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số ở Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu. Mục tiêu đến năm 2025, kinh tế số chiếm 20% GDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%; năng suất lao động hằng năm tăng tối thiểu 7%; hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ trên 80% hộ gia đình và 100% số xã; phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G và điện thoại di động thông minh; tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử trên 50%; Việt Nam thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về chỉ số công nghệ thông tin (IDI) và chỉ số cạnh tranh (GCI), thuộc nhóm 35 nước dẫn đầu về chỉ số đổi mới sáng tạo (GII) và thuộc nhóm 40 nước dẫn đầu về an toàn, an ninh mạng (GCI). Để đạt được mục tiêu này cần phải duy trì mức tăng trưởng kinh tế số bình quân hằng năm khoảng 20%, gấp 3 lần tăng trưởng GDP dự kiến (6,5 - 7%/năm)4. Chương trình chuyển đổi số quốc gia xác định tầm nhìn đến năm 2030, Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp. 
 
Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam đã và đang thực hiện các bước đi cần thiết để tạo điều kiện cho sự phát triển của kinh tế số như: (1) Thực hiện sửa đổi, bổ sung thể chế, quy định pháp luật cho các ngành, trong đó có cả những ngành đang thực hiện nhiều mô hình kinh doanh mới như: Thương mại điện tử, tài chính số, ngân hàng số. Thực hiện cải cách thể chế để thu hút đầu tư cho các công nghệ số. Hoàn thiện thể chế về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và đầu tư nguồn lực cho thi hành pháp luật về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. (2) Xây dựng chính phủ điện tử, chính phủ số, cải cách nền hành chính theo hướng số hóa và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và đã có những cấu phần đi vào vận hành như cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia; cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm; cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp... Chính phủ cũng đã thành lập Ủy ban Chính phủ điện tử. Nhiệm vụ của Ủy ban này là nghiên cứu và đề xuất chiến lược, cơ chế, chính sách để tạo môi trường pháp lý cho việc xúc tiến và thành lập chính phủ điện tử, phục vụ cho việc triển khai CMCN 4.0. (3) Thúc đẩy đổi mới sáng tạo và hệ sinh thái số. Nhiều chương trình thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo được triển khai tích cực, bao gồm: Cơ quan Công nghệ quốc gia, Quỹ Đổi mới sáng tạo công nghệ quốc gia. Chính phủ cũng thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia và Trung tâm Khởi nghiệp quốc gia. (4) Xây dựng các khung pháp lý về an toàn, an ninh mạng, trong đó Luật An toàn thông tin mạng và Luật An ninh mạng đã được Quốc hội thông qua năm 2018. Luật An ninh mạng áp dụng cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước cung cấp dịch vụ viễn thông hoặc các dịch vụ số có giá trị gia tăng ở Việt Nam. Luật quy định việc bắt buộc phải thành lập chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam đối với các doanh nghiệp muốn thu thập, khai thác, phân tích thông tin cá nhân, dữ liệu của người dùng tại Việt Nam. Thực hiện cải cách hệ thống thuế của Việt Nam phù hợp với xu thế hóa của nền kinh tế.
 
Cùng với đó, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Quyết định số 1726/QĐ-BTTTT ngày 12/10/2020 phê duyệt Đề án "Xác định Bộ chỉ số đánh giá chuyển đổi số của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và của quốc gia". Trong Bộ chỉ số này, các chỉ số về kinh tế bao quát tác động lan tỏa của công nghệ số đến mọi hoạt động kinh tế, bao gồm 07 nhóm tiêu chí như: Chuyển đổi nhận thức; kiến tạo thể chế; phát triển hạ tầng và nền tảng số; thông tin và dữ liệu số; hoạt động chuyển đổi số; an toàn, an ninh mạng; đào tạo và phát triển nhân lực.
Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, Việt Nam đang trở thành một trong những địa điểm thu hút mạnh mẽ đầu tư kinh tế số ở Đông Nam Á. Trong đó, thương mại điện tử là một trong những nhân tố quan trọng thúc đẩy kinh tế số ở Việt Nam, một số trang thương mại điện tử của Việt Nam đang phát triển như Tiki, Sendo, FPT Shop, Điện máy xanh, Thế giới di động... đang dần chiếm lĩnh thị trường trong nước, qua đó thúc đẩy thay đổi xu hướng và hành vi mua sắm của người tiêu dùng Việt Nam. Ngoài ra, một số lĩnh vực sử dụng nền tảng số để thúc đẩy hoạt động sản xuất - kinh doanh như tài chính kỹ thuật số, gọi xe công nghệ, du lịch trực tuyến cũng phát triển mạnh mẽ trong thời gian qua.
 
2. Những vấn đề đang đặt ra trong phát triển kinh tế số ở Việt Nam 
 
Thứ nhất, Việt Nam nằm trong những quốc gia có tốc độc tăng trưởng kinh tế nhanh nhất khu vực và thế giới. Kinh tế Việt Nam tăng trưởng liên tục trong vòng hơn 35 năm qua và luôn duy trì tốc độ tăng trưởng khoảng 7%/năm. Cùng với sự tăng trưởng kinh tế nhanh và một nền kinh tế ngày càng hội nhập sâu rộng với thế giới, một thị trường nội địa gần 100 triệu dân sẽ là nền tảng và sức hút lớn thúc đẩy kinh tế số phát triển. Tuy nhiên, mức độ số hóa của Việt Nam còn thấp so với các nước trong khu vực ASEAN và châu Á. Việt Nam chỉ đứng thứ 70/141 quốc gia, với mức điểm là 12,06/25 điểm tối đa, chỉ cao hơn không đáng kể so với trung bình của thế giới (11,90 điểm).
 
Thứ hai, Việt Nam có lực lượng lao động trẻ, năng động, dễ dàng tiếp thu những kiến thức và kỹ năng mới, trong đó có kiến thức và kỹ năng số, đây chính là một trong những chìa khóa quan trọng để thúc đẩy kinh tế số. Tỷ lệ dân số ở độ tuổi lao động tương đối cao, với 40% dân số dưới 25 tuổi. Chính phủ Việt Nam đang chú trọng đầu tư vào giáo dục, đặc biệt là giáo dục kỹ thuật. Mặt khác, Việt Nam đang có sự gia tăng của tầng lớp trung lưu, điều này giúp cho thị trường tiêu thụ các sản phẩm, dịch vụ liên quan đến nền kinh tế số được mở rộng. Tuy nhiên, giáo dục Việt Nam chưa theo kịp xu thế phát triển của kinh tế số, nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu chuyển đổi sang kinh tế số. Chất lượng nhân lực Việt Nam còn nhiều hạn chế cả về chuyên ngành đào tạo, kỹ năng làm việc... Mặt khác, Việt Nam đang thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là nhân lực công nghệ thông tin và truyền thông. Vấn đề này nếu không được nhà nước quan tâm đầu tư trong thời gian tới sẽ là một điểm nghẽn lớn cho phát triển kinh tế số.
 
Thứ ba, Chính phủ Việt Nam thể hiện rõ quyết tâm, định hướng và nỗ lực hành động mạnh mẽ trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế số, trong đó chú trọng xây dựng chính phủ điện tử, chính phủ số, hình thành cổng thông tin điện tử quốc gia, cải cách nền hành chính theo hướng số hóa và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Việt Nam thực sự coi kinh tế số là cơ hội để thúc đẩy phát triển kinh tế, thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình. Tuy nhiên, Việt Nam có xuất phát điểm cho phát triển kinh tế số chậm hơn so với các nước trong khu vực, nhận thức, kiến thức của nhiều cán bộ, doanh nghiệp và người dân về kinh tế số còn chưa đồng đều ở các cấp, các ngành dẫn tới nhu cầu, kế hoạch và hành động cho phát triển kinh tế số còn chưa kịp thời, nhanh nhạy, sự chuyển đổi số ở một số cấp, ngành, địa phương và các doanh nghiệp còn hạn chế là rào cản lớn làm chậm xu hướng số hóa nền kinh tế Việt Nam.
 
Thứ tư, Việt Nam đang tăng cường năng lực đổi mới sáng tạo, đang ở vị trí cao so với các nước có mức GDP tương đương và dẫn đầu trong số các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình. Với vị trí gần với trung tâm địa kinh tế toàn cầu và trung tâm công nghệ của thế giới, điều này tạo ra lợi thế cho các doanh nghiệp khởi nghiệp về công nghệ có thể tìm các nguồn tài chính cho đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, nếu xem xét kỹ phần lớn các đăng ký sáng kiến của Việt Nam đến từ các công dân nước ngoài và số lượng này thường cao 8 - 10 lần so với công dân trong nước. Điều này phản ánh năng lực nội tại của nền kinh tế Việt Nam vẫn còn một khoảng cách lớn với khu vực về đổi mới sáng tạo.
 
Thứ năm, Việt Nam có tốc độ đổi mới công nghệ ngày càng nhanh, xuất hiện nhiều công nghệ có tính bước ngoặt, nhạy vọt như công nghệ truyền thông di động với mạng 4G hiện phủ sóng hơn 95% các hộ gia đình. Bên cạnh đó, Việt Nam đã xuất hiện nhiều ngành công nghiệp, công nghệ thông tin mũi nhọn như thương mại điện tử, các dạng kinh tế chia sẻ... Việt Nam đang là điểm đến lý tưởng của các nhà đầu tư và là môi trường với nhiều điều kiện ưu đãi để khởi nghiệp công nghệ. Tuy nhiên, kết cấu hạ tầng chưa theo kịp với tốc độ đổi mới công nghệ.
 
Để thúc đẩy phát triển kinh tế số trong thời gian tới, Việt Nam cần xây dựng và hoàn thiện môi trường thể chế, pháp lý đáp ứng yêu cầu của thời kỳ hội nhập quốc tế trong điều kiện kinh tế số. Tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng cứng và mềm cho chuyển đổi số và phát triển nền kinh tế số quốc gia. Đồng thời, hỗ trợ nâng cao năng lực và sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam, không ngừng chú trọng bồi dưỡng, phổ biến, trang bị kiến thức cho đội ngũ doanh nhân Việt Nam đáp ứng yêu cầu của kinh tế số và xu thế của CMCN 4.0, cũng như thích ứng với hội nhập vào thị trường thế giới trong thời kỳ mới. Tiếp tục khơi dậy tinh thần dân tộc, lý tưởng và khát vọng đưa dân tộc đi tới thịnh vượng, từ đó khơi dậy và tạo động lực cho văn hóa khởi nghiệp của người Việt Nam, nhất là trong tầng lớp thanh niên. Cần khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, cải tiến kỹ thuật, công nghệ sản xuất, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực và đội ngũ doanh nhân. Đặc biệt, Chính phủ cần tạo dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật số để các doanh nghiệp hòa nhập và nắm bắt được xu hướng, thế mạnh của kỷ nguyên kinh tế số. Bên cạnh đó, Chính phủ cần đẩy mạnh cải cách tổ chức bộ máy đáp ứng yêu cầu nền kinh tế số và đi tiên phong trong quá trình số hóa bộ máy quản trị quốc gia. Chú trọng cải cách mạnh mẽ nền hành chính quốc gia, xây dựng nền hành chính công vụ thông minh, gọn nhẹ, kỷ luật, liêm chính, kiến tạo và nâng cao hiệu quả quản trị của bộ máy nhà nước từ Trung ương đến địa phương, chuyển từ tư duy quản lý sang tư duy quản trị điều hành, thực hiện đồng bộ số hóa bộ máy quản lý nhà nước các cấp cũng như xây dựng và triển khai chiến lược, các chính sách thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia và doanh nghiệp. Mặt khác, cần coi trọng công tác bảo vệ an ninh kinh tế, an ninh chính trị nói riêng và an ninh quốc gia nói chung qua không gian mạng, giám sát và phòng chống hiệu quả các loại tội phạm mạng, nhất là tội phạm công nghệ cao.
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Thống kê truy cập
Truy cập tổng 693.948
Truy cập hiện tại 200